GÂY HẤN THỤ ĐỘNG (PASSIVE - AGGRESSIVE) LÀ GÌ?

GÂY HẤN THỤ ĐỘNG (PASSIVE - AGGRESSIVE) LÀ GÌ?

Tác giá: EVD Thiết Bị | Ngày: 17-10-2019 | 0 bình luận

Bạn đã bao giờ gặp một người không thích bạn, nhưng vẫn tỏ ra thân thiện với bạn? Một đồng nghiệp tính tình nóng lạnh, có ngày vui vẻ, có ngày lảng tránh như đang giận? Một người sếp bắt bẻ nhân viên vì không “tự hiểu” những gì anh ta không nói? Hay một nhân viên bất mãn nhưng khi có cơ hội góp ý lại không nói gì? Và có khi nào, chính bạn cũng thường có những hành vi như thế?

Nếu câu trả lời là có, chào mừng bạn đến với thế giới của những hành vi “gây hấn thụ động” (passive-aggressive).

Theo cuốn sách tâm lý học “The Angry Smile” (Nụ cười giận dữ), “gây hấn thụ động” là những hành vi thể hiện cảm xúc tiêu cực một cách gián tiếp, không lộ liễu. Các hành vi gây hấn thụ động có một mục đích chung: phản ứng hoặc công kích người khác mà không để người đó nhận thấy. Ở Việt Nam, “giận cá chém thớt” là một kiểu gây hấn thụ động tiêu biểu.

1. “Học trường A. ra mà làm được như vậy là giỏi rồi!”

“Công ty anh có ba đội thi đua doanh số. Cuối quý, đội anh dẫn về nhất, tụi anh trích tiền thưởng chiêu đãi cả công ty một bữa lẩu. Trong lúc ăn, một anh đồng nghiệp ở đội khác nói với anh, “Học trường A. ra như ông mà làm được như vậy là giỏi rồi!”

Đây chỉ là mở đầu của chuỗi lời khen “đểu” (khen nhưng thực ra là chê) mà anh phải nhận từ ông này. Sau còn có, “Dân tỉnh lẻ mà ăn nói khôn khéo như ông là hiếm đấy.”, “Ông mà cũng có tiền mua Apple Watch cơ à!”, “Ông như này mà cua được em người yêu xinh thế.”

Anh biết anh ta không ưa anh và cố khiêu khích anh một cách gián tiếp. Nhưng anh không nghĩ mình cần phải bị kích động hay đáp trả. Anh vô hiệu hóa sự hung hăng của anh ta bằng cách bỏ những lời đó ngoài tai và tiếp tục tiến lên.” – Quang Huy, 25 tuổi.

Cách xử lý: Sự im lặng chính là vũ khí đáng sợ nhất!

2. “Đùa thôi, làm gì ghê vậy.”

“Anh được thăng chức. Một ông đồng nghiệp tới “chúc mừng” anh, “Chắc ông dâng sếp ‘hàng’ ngon nên sếp mới nghe ông vậy chứ gì!”

Anh bực mình, nói, “Để tôi chuyển lời của ông tới sếp xem sếp trả lời sao nhé.”

Biết mình lỡ miệng, anh ấy từ tông giọng khiêu khích chuyển sang cười hòa vốn, “Đùa thôi, làm gì ghê vậy.”” – Huỳnh Quân, 27 tuổi.

Cách xử lý: Đáp trả thái độ “Đùa thôi, làm gì ghê vậy.” bằng một câu đùa không-thể-nghiêm-túc-hơn.

3. “Thế nào cũng được, thích làm gì thì làm.”

“Phòng mình họp lên ý tưởng cho dự án mới, mỗi người phải đưa ra 3 ý tưởng và trình bày tại sao đây là ý tưởng tốt. Trong khi tụi mình tranh luận, chỉ có X. ít nói nhất. Sếp hỏi lý do đằng sau những ý tưởng của X., bạn chỉ vỏn vẹn, “Tại em thấy hay.” Cuối buổi, ai cũng có ý tưởng được chọn để triển khai, trừ X.

Hôm sau họp triển khai ý tưởng, trong lúc bàn luận sôi nổi, mọi người hỏi X. bạn có thấy địa điểm này phù hợp không. X. cũng chỉ vỏn vẹn, “Thế nào cũng được, mọi người thích làm gì thì làm. Đây có phải ý tưởng của tui đâu.”

Cả phòng im lặng nhìn nhau vài giây trước khi tiếp tục cuôc họp.

Cuối buổi, mình chủ động nói chuyện riêng với X. Mình nói mình hiểu X. buồn vì ý tưởng không được chọn, nhưng thái độ của bạn khiến mọi người khó xử. Mình có thể giúp bạn ấy trình bày ý tưởng tốt hơn vào lần sau, nếu X. chịu khó giao tiếp thẳng thắn hơn với mọi người. Và bạn ấy đồng ý.” – Kỳ Duyên, 22 tuổi.

Cách xử lý: Làm hòa chủ động cũng là một cách tốt để xử lý gây hấn thụ động. Còn nếu đã xuống nước rồi mà tính huống vẫn không khả quan hơn thì… cứ “bơ” đi!

4. “Xin lỗi nha, tôi quên mất là có bà.”

“Mình chuyển đến công ty mới, vô tình gặp bạn cũ đang làm cùng phòng. Hồi còn đi học, tụi mình không hòa thuận lắm, phần nhiều cũng do mình hay gây gổ. Lần này gặp lại, mình bắt tay và bày tỏ mong muốn làm đồng nghiệp tốt. Nhưng có vẻ bạn ấy không nghĩ vậy.

Bạn ấy không bao giờ nhìn vào mắt mình. Mình là “ma mới” mà hỏi bạn cái gì bạn cũng bảo đi hỏi người khác. Công ty tụ tập ăn uống, cứ có mình là bạn không đi. Sinh nhật bạn, bạn nhắn tin cho từng người một mời đi ăn tiệc, trừ mình ra. Sáng hôm sau, mở Instagram story của một chị đồng nghiệp lên thấy cả phòng đi chơi vui vẻ, mình tủi thân lắm. Mình đến chỗ bạn hỏi nhỏ, “Chi sinh nhật mà không mời tôi à?”

Bạn nói, “Xin lỗi nha, tôi quên mất phòng này có bà,” rồi bỏ đi.

“Mình phải tốn 5 cái bánh cupcakes với hai cuốc xe ôm đến chơi nhà bạn thì bạn mới chịu làm hòa. Bây giờ thì hai đứa thân nhất công ty.” – Minh Thanh, 23 tuổi.

Cách xử lý: Những người giận dỗi thật ra chỉ muốn được nâng niu. (Đương nhiên, nâng hay không là lựa chọn của người còn lại.)

5. “Ước gì em cũng được đi nhỉ.”

“Sếp nhắn tin trên Slack công ty hỏi có ai muốn đại diện chi nhánh địa phương đi giao lưu với tập đoàn ở Mỹ không. Không ai trả lời. Sếp nhắn riêng cho mình để bổ nhiệm, rồi thông báo với cả phòng rằng mình được cử đi.

Đến lúc đó, một bạn mới xuýt xoa, “Ôi chị Vân được đi Mỹ à, thích thế! Ước gì em cũng được đi nhỉ.”

“Ủa, em không nói sao sếp biết?” – Minh Thủy, 29 tuổi.

Cách xử lý: Người trần mắt thịt không đọc được điều ước trong đầu bạn. Muốn gì thì cứ mạnh dạn nói.

6. “Có nói cũng đâu được gì.”

“Công ty cũ của mình có một thói quen rất “nản”: cứ 3 giờ chiều là mọi người tụ tập gọt hoa quả ăn, tám chuyện, đến 5 giờ chiều mới quay lại làm tiếp, rồi 8 giờ tối mới đi về. Mình thấy như vậy vừa mất tập trung, vừa mất thời gian. Mình góp ý năm lần bảy lượt, cả phòng cũng ậm ừ, rồi cuối cùng vẫn “chứng nào tật nấy”. Lúc đó mình nhận ra nó đã trở thành văn hóa công ty rồi, có nói nữa cũng chẳng được gì.

Mình lặng lẽ rút khỏi “hội chị em hoa quả”, ngồi một góc làm việc khi mọi người buôn chuyện. Không lâu sau, mình chuyển việc. Không lâu sau nữa, công ty đóng cửa.” – Hoàng Yến, 26 tuổi.

Cách xử lý: Đôi khi gây hấn thụ động là cần thiết. Và cuối cùng, khi còn bị phê bình thì bạn nên mừng. Ít nhất họ không cho rằng bạn vô phương cứu chữa.

Bài viết được thực hiện bởi Leflair - Vietcetera

Cũ hơn Mới hơn


0 bình luận


Bình luận

Lưu ý: Các bình luận phải được duyệt trước khi được hiển thị.