Vì sao Millennials được gọi là “thế hệ lo âu”?

Vì sao Millennials được gọi là “thế hệ lo âu”?

Tác giá: EVD Thiết Bị | Ngày: 17-09-2019 | 0 bình luận

Có bao giờ bạn cảm thấy đột nhiên tim đập nhanh, mặt đỏ dần, mồ hôi túa ra, khó thở, đau thắt ngực trước khi làm một việc gì đó quan trọng như chuẩn bị lên thuyết trình, báo cáo với sếp, gặp gỡ khách hàng, đợi đến lượt khám bác sĩ? Đó có thể là dấu hiệu của một cơn hoảng loạn (tiếng Anh gọi là panic attack) với những giai đoạn sợ hãi và lo âu đột ngột có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ đồng hồ. Nếu nghiêm trọng, sự lo lắng có thể dẫn đến mất kiểm soát với những cơn đau tức vùng ngực.

Là một người trẻ thế hệ 8x, thỉnh thoảng tôi cũng trải qua những cơn hoảng loạn ở mức độ nhẹ. Tôi đã nghĩ lo sợ là một phần của bản năng tự vệ và sinh tồn, một phản ứng tự nhiên của cơ thể, một chút áp lực sẽ giúp tôi hoàn thành công việc tốt hơn, đạt điểm cao hơn trong các kỳ thi hay thuyết trình ấn tượng hơn. Nhiều người bạn của tôi đã không thể kiểm soát nỗi lo của mình, bị chứng rối loạn lo âu (anxiety disorder), mất ngủ triền miên, phải đi gặp bác sỹ tâm lý và thậm chí phải dùng thuốc điều trị. Chúng tôi nói về điều đó một cách cởi mở, nghiêm túc và không giấu diếm.

Thế hệ Millennials (những người sinh năm từ 1981 đến 1996) còn được biết đến với tên gọi “thế hệ lo âu” (the anxious generation). Đã có nhiều nghiên cứu khoa học tìm hiểu về hội chứng này và lý do vì sao thế hệ trẻ ngày nay lại có mức độ lo âu cao hơn những thế hệ trước.

thế hệ lo âu

Theo định nghĩa của Viện Sức khoẻ Tâm thần thuộc Bệnh viện Bạch Mai, rối loạn lo âu là một trạng thái căng thẳng cảm xúc, là sự đáp ứng không phù hợp với các kích thích của cơ thể và môi trường (cả về cường độ và thời gian). Dù không có yếu tố gây lo hoặc yếu tố gây lo đã mất đi, người bệnh vẫn còn lo lắng, căng thẳng.

Đây là bệnh phổ biến và tăng cao ở những xã hội phát triển. Ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế năm 2017, có 15% dân số gặp các vấn đề về rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn stress, tương ứng với trên 10 triệu người.

Áp lực thành công từ sự bao bọc của cha mẹ

Bài báo trên tờ New York Post cho rằng Millennials là thế hệ đầu tiên lớn lên với Internet và mạng xã hội. Đây cũng là thế hệ đầu tiên trải nghiệm sự kèm cặp gắt gao của những ông bố bà mẹ “trực thăng” (helicopter parents) như những chiếc trực thăng luôn bay trên đầu để giám sát con cái một cách thái quá.

Đặc điểm của thế hệ này là sinh ra trong những gia đình ít con hơn, sống với bố mẹ lâu hơn (vì thế làm trì hoãn quá trình trưởng thành so với những thế hệ trước), gia đình có thời gian và điều kiện kinh tế để chăm lo cho con cái. Áp lực phải thành công của Millennials vì thế cũng cao hơn những thế hệ trước.

Ai cũng muốn thành công khi đây vẫn là thước đo của xã hội khi đánh giá một con người. Với thế hệ 8x và 9x, áp lực thành công còn lớn hơn do được sinh ra trong điều kiện kinh tế tốt hơn, nhận được sự đầu tư và chăm bẵm hết mực từ bố mẹ nên lại càng “không có lý do gì để thất bại”. Chẳng phải ở Việt Nam các bậc phu huynh vẫn thường hay nói với con, “Ngày xưa bằng tuổi con bố mẹ làm gì có đủ điều kiện học hành như bây giờ”, hoặc “Ngày xưa bằng buổi tuổi con bố mẹ đã phải làm lụng vất vả, tự kiếm ra tiền” với hàm ý “Con phải giỏi hơn, thành công hơn bố mẹ”.

Các cặp cha mẹ châu Á thường đặt nhiều áp lực, muốn con cái học giỏi, thành công, xuất sắc ở nhiều lĩnh vực. Tôi nhớ thời đi học ở Việt Nam cũng phải chịu nhiều áp lực, bị so sánh với anh chị em họ trong gia đình, bị thầy cô nặng lời chê trách. Khi học lớp 12, tôi đã rất sợ thi trượt Đại học nên không dám thi vào trường mình thích vì sợ không đủ điểm để đỗ.

Từ khi có con và sống ở Mỹ, tôi bắt đầu quan sát và tìm hiểu sự khác biệt về văn hóa sẽ ảnh hưởng đến việc nuôi dạy con cái thế nào. Tôi nhận ra cách nuôi dạy con của mình bị ảnh hưởng từ văn hoá và chính cách bố mẹ tôi ngày xưa nuôi dạy, dù xã hội đã thay đổi nhiều.

Áp lực tâm lý từ mạng xã hội

Có nhiều nghiên cứu cho rằng mạng xã hội cũng là nguyên nhân làm tăng mức độ lo âu ở thế hệ trẻ. Việc cập nhật liên tục thông tin và hình ảnh về cuộc sống của người khác làm cho thế hệ này có thường xuyên có cảm giác thất vọng và bất an về bản thân khi so sánh với người khác. Họ luôn thấy bất an, tự ti và không thoả mãn với những gì mình có.

Sinh ra trong thời đại bùng nổ về công nghệ và thông tin, Millennials không những luôn bị bội thực bởi hàng núi thông tin mà còn bị áp lực của bạn bè xung quanh khi ai cũng có những bucket list, to-do list, danh sách 100 việc phải làm trước… khi chết, 10 thành phố phải đến ở Châu Âu…

Nhiều người lấy mốc 30 như hạn chót để thực hiện những điều chưa từng làm trong đời. Như thể sau 30 là mọi thứ ngay lập tức sẽ xuống dốc và bạn sẽ gia nhập vào hàng ngũ những người lớn sống trong một thế giới thật tẻ nhạt. Mọi thứ đều diễn ra vội vàng, chóng vánh, tất cả chỉ nằm dưới những đầu ngón tay và những cú click chuột.

“Hội chứng sợ bị bỏ lỡ” (fear of missing out, hay FOMO) là một hiện tượng thường thấy trong giới trẻ hiện nay. Ví dụ, bạn đang vật vã với đống công việc đè lên đầu và một ông sếp khó tính thì đứa bạn thân đang khoe ảnh vi vu ở trời Tây. Khi tất cả mọi người đều cố đánh bóng bản thân trên mạng xã hội, trước mắt bạn sẽ luôn là những người giỏi hơn, thành công hơn, xinh đẹp và may mắn hơn bạn.

Tôi đã gần như ngừng sử dụng Facebook từ hơn 4 năm nay. Tôi nhận thấy mình đã không thể kiểm soát những suy nghĩ tiêu cực và kém cỏi về bản thân khi so sánh với người khác. Tôi cảm thấy ghen tị với những thành quả của người khác và tự gây áp lực lên bản thân với những kế hoạch, mục tiêu, kỹ năng, kiến thức phải đạt được mà quên đi ưu tiên và khả năng của chính mình.

Áp lực của sự chưa-ổn-định

Một đặc điểm của lứa tuổi Millennials là mọi thứ đều chưa ổn định, cả về sự nghiệp, tài chính hay các mối quan hệ. Đây là giai đoạn mà sự thay đổi diễn ra thường xuyên và nhanh chóng như thay đổi công việc, chuyển đến một nơi khác sống, kết hôn, ly hôn, sinh con. Tất cả sự thay đổi này đều cần thời gian, kỹ năng sống và độ từng trải nhất định để thích ứng.

Một nghiên cứu do Hiệp hội tâm thần Hoa Kỳ (American Psychiatric Association) khi khảo sát hơn 1000 người cho thấy mức độ lo âu ở độ tuổi 20 đến 37 (Millennials) là cao nhất so với thế hệ Z (38-53 tuổi) và thế hệ baby boomers (54-72 tuổi). Theo nghiên cứu này, tỷ lệ thất nghiệp, những khoản nợ vay từ thời sinh viên, áp lực tài chính để chi trả chi phí sinh hoạt ngày càng tăng là một trong những nguyên nhân gây nên hội chứng lo âu ở thế hệ Millennials ở Mỹ.

Sự thay đổi chóng mặt của công nghệ cộng với xu thế dịch chuyển, di chuyển ngày càng nhiều khiến cuộc sống của Millennials gần như không tồn tại hai từ ổn định. Mọi thứ đều nhuốm màu vội vã, tạm thời, chóng vánh, bấp bênh với rất nhiều sự bất an và lo âu trong đó.

Tất cả những điều này lý giải một phần vì sao Millennials còn có tên gọi là “thế hệ lo âu”.

Bài viết được thực hiện bởi Huyền Trần. - Vietcetera
Hình ảnh được thực hiện bởi Trà Nhữ. - Vietcetera

Cũ hơn Mới hơn


0 bình luận


Bình luận

Lưu ý: Các bình luận phải được duyệt trước khi được hiển thị.