Ngày 14/9 tại Hà Nội, gần 30 doanh nghiệp, hiệp hội, các tổ chức trong nước và quốc tế đã tham dự phiên họp Nhóm công tác chuyên đề Nông nghiệp thuộc Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF). Đây là một trong các hoạt động thường xuyên của Diễn đàn nằm trong quy trình B2G, thúc đẩy và thực hiện đối thoại chính sách giữa doanh nghiệp tư nhân với Chính phủ và các Bộ, ngành của Việt Nam.
Tại phiên họp, ông Trần Mạnh Báo – Chủ tịch Nhóm công tác Nông nghiệp, Tổng giám đốc Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình – đã nêu bốn vấn đề chính để các đại biểu thảo luận tập trung, gồm: (1) thúc đẩy đầu tư tư nhân trong nông nghiệp, (2) cải cách quy định lĩnh vực giống cây trồng, (3) vệ sinh an toàn thực phẩm và (4) tổng hợp các khó khăn, vướng mắc khác trong lĩnh vực nông nghiệp.
Các đại biểu dự họp, từ đại diện hiệp hội lớn đến những doanh nghiệp khởi nghiệp đã thẳng thắn, tích cực chia sẻ những khó khăn vướng mắc mà doanh nghiệp mình đang gặp phải. Cụ thể, đó là những vấn đề liên quan đến tiếp cận đất đai phục vụ sản xuất, kinh doanh; tình trạng “1 cửa nhiều khóa” khi thực hiện các thủ tục hành chính; tình trạng quản lý và kiểm tra còn chồng chéo giữa các Bộ, ngành, các cấp, gây tốn kém thời gian, chi phí và thiệt hại cho doanh nghiệp hay những vấn đề còn bất cập trong chính sách của Nhà nước liên quan tới ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp trong và ngoài nước, tiếp cận vốn vay dành cho hoạt động đầu tư tư nhân lĩnh vực nông nghiệp hoặc việc “đánh thuế 2 lần”, vừa thuế thu nhập doanh nghiệp vừa thuế thu nhập cá nhân đối với các cá nhân đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.
Các đại biểu cũng chia sẻ sự lo ngại về tình trạng dịch chuyển lao động trẻ ngày càng nhiều từ nông thôn ra thành thị, từ nông nghiệp sang ngành nghề khác hoặc vấn đề thiếu cơ chế chia sẻ, kết nối thông tin giữa các đơn vị cùng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (đơn vị nghiên cứu – doanh nghiệp – thị trường…) khiến lãng phí hoặc không tận dụng hết các nguồn lực của mỗi đơn vị để tạo sự phát triển chung.
Bên cạnh việc nêu những khó khăn, vướng mắc, đại biểu dự họp cũng rất trách nhiệm thảo luận các giải pháp, kiến nghị nhằm tháo gỡ những vấn đề này.
Đối với lĩnh vực giống cây trồng, các khuyến nghị tập trung theo hướng: nhà nước chỉ yêu cầu thủ tục công nhận một số giống cây trồng chính còn lại trao quyền tự công nhận và tự chịu trách nhiệm về giống cho các hiệp hội, các doanh nghiệp kinh doanh giống; rút ngắn thời gian khảo nghiệm và sản xuất thử, giảm các quy trình thủ tục không cần thiết, đặc biệt là việc không được yêu cầu khảo nghiệm lại ở cấp địa phương sau khi doanh nghiệp đã hoàn thành khảo nghiệm quốc gia…
Đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, câu chuyện luôn thu hút sự quan tâm của mọi cấp, ngành và dư luận xã hội, các doanh nghiệp dự họp đề nghị nhà nước khi xây dựng chính sách liên quan cần có các quy định giúp phân biệt các doanh nghiệp đầu tư bài bản với các doanh nghiệp chưa rõ năng lực đảm bảo ant oàn thực phẩm để hạn chế những vấn đề mất an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, lưu thông và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.
Trong mảng chăn nuôi, doanh nghiệp đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước nên quan tâm xây dựng các biện pháp chủ động để kiểm soát công nghệ chăn nuôi, xử lý chất thải từ nguồn này gắn với vấn đề phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Để giải quyết bài toán kết nối hiệu quả các thông tin, nguồn lực nhằm phát huy thế mạnh của từng đơn vị trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp dự họp rất quan tâm và ủng hộ sáng kiến của Ban Thư ký VPSF là nghiên cứu, xây dựng “Cổng thông tin doanh nghiệp và môi trường kinh doanh Việt Nam”. Sáng kiến này được kì vọng sẽ giúp doanh nghiệp trong và ngoài nước giải quyết 3 mục tiêu lớn: (1) tổng hợp thông tin và phân loại doanh nghiệp theo từng mục tiêu cụ thể; (2) cập nhật các nghiên cứu, chính sách, quy định liên quan tới phát triển doanh nghiệp và môi trường kinh doanh tại Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước thông tin để khởi nghiệp kinh doanh, triển khai kinh doanh tại thị trường Việt Nam, (3) hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thông tin để tiếp cận với các thị trường của khu vực và quốc tế.
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Nhóm công tác Nông nghiệp đã thay mặt doanh nghiệp tóm tắt các ý kiến, kiến nghị tại buổi họp, dự kiến các vấn đề mấu chốt đưa vào báo cáo của VPSF chuẩn bị trình Chính phủ đồng thời đề xuất cuộc đối thoại chính sách lần thứ nhất giữa doanh nghiệp tư nhân Việt Nam với Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, dự kiến tổ chức tháng 10 này.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận tại buổi họp:
Chủ tịch Nhóm công tác Trần Mạnh Báo, Tổng giám đốc Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình điều hành phiên họp.
Ông Lê Bá Lịch, nguyên Phó Cục trưởng Cục khuyến nông khuyến lâm, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam trao đổi về vấn đề xác định ưu tiên đầu tư của Nhà nước từ câu chuyện với mặt hàng ngô trong nước và ngô nhập khẩu thời gian vừa qua.
Ông Nguyễn Danh Nhân, Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp miền Trung, một trong những công ty khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp chia sẻ về những khó khăn bước đầu như: tiếp cận đất, vốn, chính sách,…
Ông Nguyễn Minh Giáp, Tổng giám đốc Công ty TNHH EVD thiết bị và phát triển chất lượng chia sẻ “muốn tới tham dự Phiên họp này để hiểu hơn về tình hình nông nghiệp nước nhà và đặc biệt muốn nhờ các chuyên gia trong ngành cho ý kiến về vai trò của ánh sáng, cụ thể là đèn LED trong sản xuất nông nghiệp”.
Ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam chia sẻ về mô hình nông nghiệp mà các nước tiên tiến đang áp dụng.
Bà Amy Guihot, Tham tán nông nghiệp Úc tại Việt Nam đang chia sẻ về những ý kiến thú vị của các doanh nghiệp mà Bà ghi nhận được tại Phiên họp với Ông Phan Vinh Quang, Phó giám đốc dự án MBI, Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB.
Đại biểu dự họp chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch Nhóm công tác và Ban Thư ký Diễn đàn.