Facebook đang bị người dùng tại chính quê hương “ruồng bỏ” với tốc độ nhanh kỷ lục. Vì đâu nên nỗi?
Còn nhớ cuối năm 2017, Facebook khoe khoang đang có 2,2 tỷ người dùng hàng tháng. Sản phẩm con đẻ của tỉ phú Zuckerberg đang được hàng tỷ người ở mọi lứa tuổi sử dụng toàn cầu.
Facebook phổ biến đến nỗi ai đó không sử dụng mạng xã hội này, họ sẽ bị xung quanh nhìn với con mắt ngạc nhiên như kiểu “người rừng”.
Bắt đầu từ Bắc Mỹ và châu Âu, số người dùng xóa tài khoản Facebook tăng mạnh tới mức Zuckerberg phải lo ngại. Theo số liệu mới nhất của eMarketer, với tốc độ từ bỏ Facebook như hiện nay, mạng xã hội sẽ mất khoảng 2 triệu người dùng từ 24 tuổi trở xuống, chỉ riêng tại Mỹ.
Có nhiều lý do khiến người dùng muốn rời bỏ Facebook, theo Make Use Of.
Họ bị theo dõi
Facebook có rất nhiều ưu điểm, và đó cũng là lý do tại sao người dùng đổ xô tới nền tảng này. Thế nhưng, ít người biết rằng Facebook chính là tai mắt theo dõi bạn mọi lúc mọi nơi trên web.
Để dùng Facebook miễn phí, người dùng buộc phải đánh đổi riêng tư, chấp nhận để công ty này trao dữ liệu cho một trong năm công ty quảng cáo lớn nhất thế giới.
Ngay cả khi không dùng web, Facebook vẫn theo dõi bạn, thậm chí với cả những người không có tài khoản mạng xã hội này.
Thực tế này đã trở thành vấn đề toàn cầu khi gần đây chính phủ Bỉ yêu cầu Facebook phải xóa toàn bộ dữ liệu mà mạng xã hội đã lưu giữ của công dân nước này. Các công tố viên cáo buộc Facebook đã thu thập dữ liệu một cách trái phép.
Người dùng là vật thí nghiệm
Năm 2012, 689.000 người dùng không biết họ bị biến thành đối tượng thí nghiệm của Facebook. Trong nhiều tháng, một nửa ứng viên liên tục được tiếp cận các thông tin tích cực. Nửa còn lại phải tiếp xúc với các thông tin tiêu cực.
Thử nghiệm này mang tính cực đoan. Ngoài vấn đề về đạo đức, những người phải tiếp xúc với thông tin tiêu cực có thể gặp nhiều bất ổn khác.
Và đó không phải lần duy nhất Facebook thực hiện thí nghiệm kiểu này. Theo thống kê, có ít nhất bảy thử nghiệm tương tự khác được tiến hành trong cách năm gần đây.
Tin giả tràn ngập
Trong sáu năm qua, Facebook luôn cố trở thành trụ cột cung cấp thông tin chính cho người dùng toàn cầu. Hiển nhiên, Facebook phải có nghĩa vụ lập ra các nguyên tắc cơ bản về độ tin cậy của tin tức.
Nhưng nỗ lực này đã thất bại. Tin tức giả mạo tràn ngập Facebook tới mức khó có thể làm rõ tính xác thực của chúng. Facebook cũng bị cáo buộc tác động có chủ ý tới các cuộc bầu cử chính trị.
Nếu Facebook vẫn là nguồn tin cung cấp tin chính, đã đến lúc bạn cân nhắc đọc thông tin trên các trang web tin cậy hơn.
Bảo mật có vấn đề
Facebook luôn phức tạp hóa các thiết lập bảo mật khiến người dùng như lạc vào mớ bòng bong.
Năm 2010, Zuckerberg từng trả lời tờ The Guardian như sau: “Nhiều người cứ nghĩ rằng chức năng kiểm soát riêng tư của chúng tôi quá phức tạp, nhưng thực tế chúng tôi chỉ muốn cung cấp nhiều tính năng hơn cho người dùng, dù rằng họ có thể không cần tới”.
Tám năm sau, tình hình vẫn không được cải thiện. Các thiết lập bảo mật của Facebook vẫn phức tạp, rườm rà và không thân thiện với người dùng.
Năm 2005, chính sách bảo mật của Facebook là không cho phép bất cứ ai được tiếp cận dữ liệu người dùng nếu không được sự cho phép của họ.
Còn nay thì sao? Chính sách hiện tại của Facebook cho phép bên thứ ba có thể nhận được thông tin người dùng đăng tải hoặc chia sẻ khi sử dụng dịch vụ.
Facebook sử dụng tất cả thông tin có được từ người dùng để hiển thị quảng cáo liên quan, đồng thời chuyển thông tin này cho các nhà cung cấp dịch vụ và đối tác.
Tới đây, có thể nhận thấy sở dĩ Facebook phức tạp hóa các thiết lập bảo mật chỉ để người dùng bỏ qua các cài đặt cho phép mạng xã hội này có thể sử dụng thông tin riêng tư của họ.
Facebook đã đánh mất chính mình
Khi mới xuất hiện, Facebook là cuộc cách mạng. Một số trang như MySpace tuy có lượng thành viên nhất định trước đó, nhưng Facebook mới là nền tảng đầu tiên phát triển ở quy mô lớn.
Người dùng từng cảm thấy rất vui vì họ luôn được cập nhật thông tin, ảnh đầy đủ từ người thân và bạn bè.
Nhưng theo thời gian, tin tức trở nên loãng hơn. Danh sách bạn bè quá lớn cộng với lượng lớn bài quảng cáo từ các trang mà người dùng đăng ký trước đó khiến Facebook mất đi sự hấp dẫn ban đầu.
Ban lãnh đạo Facebook dường như đã nhận ra vấn đề. Hồi đầu năm, Zuckerberg thông báo sẽ có đợt cải tổ mới giúp người dùng nhận được nhiều thông tin hơn từ bạn bè và người thân.
Nghe có vẻ đầy hứa hẹn, nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng Facebook sẽ không bao giờ trở thành mạng xã hội hấp dẫn như nó đã từng trước năm 2010.
Nguồn: Zing News