Football, Futbol, Voetbal, Futebol, Fußball, Fotboll, Soccer, Calcio... hay Bóng đá. Dù có gọi bằng cách nào đi chăng nữa thì đây cũng là môn thể thao được mến mộ nhất hành tinh và được xưng tụng là môn thể thao Vua. Tại sao bóng đá lại phổ biến đến vậy? Có lẽ vì luật chơi cực kỳ đơn giản của nó. Bạn không cần tới lưới như quần vợt, cần đến rổ trên cao như bóng rổ... để chơi bóng đá. Tất cả những gì bạn cần chỉ là một quả bóng và khung thành. Mà không nhất thiết phải là trái bóng xịn, nhiều khi chỉ cần vo tròn giấy với băng dính, xếp những chiếc dép làm cột gôn là cả đám đứa trẻ có thể bắt đầu trận đấu.
Cũng khác với những bộ môn như bóng bầu dục hay bóng chày... luật chơi của bóng đá đơn giản tới mức bạn có thể giải thích sơ qua cách chơi chỉ trong nháy mắt: Hai đội bóng, mỗi đội 11 người, đội nào đưa bóng vào lưới đối phương nhiều hơn là chiến thắng! Đơn giản đến vậy nên bóng đá được yêu mến và phổ biến ở khắp mọi miền trên thế giới, từ khu ổ chuột Brazil, khuôn viên trường học tại Anh cho tới những vỉa hè ở Việt Nam.
Vào lúc bạn đọc bài viết này, trên thế giới đang có hàng ngàn trận đấu nghiệp dư diễn ra, với những cậu bé mơ ước sẽ một ngày được khoác lên mình màu áo đội tuyển để đại diện cho đất nước. Cựu huấn luyện viên Tony Waiters người Canada từng chia sẻ: “Tôi đã du hành tới 82 quốc gia trên thế giới và nhận thấy bóng đá là ngôn ngữ chung của toàn thế giới. Nó gạt bỏ mọi rào cản và ranh giới”.
Kể từ lần đầu được tổ chức năm 1930, World Cup đã phát triển song hành cùng lịch sử thế giới. Ngoại trừ hai năm không tổ chức do cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, World Cup luôn diễn ra đều đặn bốn năm một lần. Số lượng đội tuyển tham dự tăng dần từ 13, 16, 24, 32 và sắp sửa lên đến 48. Cũng là một sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới được tổ chức bốn năm một lần, nhưng World Cup vẫn thu hút sự chú ý hơn nhiều so với Thế Vận Hội Olympic.
Olympic là sự kiện gồm hàng chục môn thi đấu, trong đó có những bộ môn không phải ai cũng theo dõi đều đặn hàng tuần nên sự chú ý bị dàn trải. Trong khi đó, người ta không phải đợi tới World Cup mới có dịp theo dõi bóng đá, bởi vẫn còn đó những giải đấu hàng đầu như Champions League, Premier League hay La Liga... Vậy nên khi khi những đại diện ưu tú nhất của 32 nền bóng đá hàng đầu thế giới tụ họp, đó chính là sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh.
Theo thông số từ trang chủ của FIFA, có tới 3,2 tỷ lượt người đã xem World Cup gần nhất được tổ chức tại Brazil. Chỉ riêng trận chung kết World Cup 2014 giữa Đức và Argentina đã thu hút đến 1,013 tỷ khán giả trên toàn cầu. Trong khi đó, lượng người xem Olympic theo thống kê của tờ HuffingtonPost “chỉ” đạt con số 2 tỷ.
Nhà báo Tim Vickery sống tại Brazil nhận định: “Bóng đá là thứ ngôn ngữ toàn cầu và hành động ái quốc nhất mà nhiều người có thể cùng thể hiện công khai là ủng hộ đội tuyển nhà. Nó lan tỏa tới cả những người vốn không say mê bóng đá, kích thích tinh thần dân tộc bởi đội tuyển và các cầu thủ chính là sứ giả đại diện cho đất nước của họ tranh tài với đại diện từ phần còn lại của thế giới”.
Mỗi sự kiện World Cup không chỉ đơn thuần là một giải đấu bóng đá mà còn là nơi để quốc gia chủ nhà có dịp giới thiệu những tinh hoa về văn hóa tới bạn bè năm châu, là dịp để những đám đông xa lạ quây quần tại những khu fanfest cùng theo dõi đường đi của trái bóng, là cơ hội để nền công nghiệp du lịch kiếm bộn tiền... Cầu thủ Michael Bradley của đội tuyển Mỹ chia sẻ: “Niềm hạnh phúc của khán giả khi được xem đội nhà chơi tại World Cup là thứ mà không sự kiện thể thao, giải trí hay chính trị có thể sánh nổi”.
Và trong bóng đá, chức vô địch FIFA World Cup là vinh quang tối thượng của đời một cầu thủ. Chức vô địch Champions League thì quan trọng thật đấy, nhưng dù gì thì năm nào nó cũng diễn ra. Còn World Cup chỉ diễn ra bốn năm một lần, và cuộc đời một cầu thủ thông thường chỉ được dự hai đến ba kỳ World Cup. Và nếu như Champions League là cuộc chơi ở cấp câu lạc bộ, nơi hai siêu sao gốc Bồ Đào Nha và Argentina có thể trở thành biểu tượng cho hai đội bóng lớn nhất Tây Ban Nha thì tại World Cup, tầm vóc ấy có thể vươn lên tới người hùng dân tộc.
Bạn còn nhớ cả Việt Nam đã sôi sục đến thế nào trước kỳ tích của những người hùng U23 tạo ra tại giải U23 Châu Á được tổ chức vào đầu năm nay? Những Quang Hải, Tiến Dũng hay Xuân Trường... sau giải đấu vụt sáng trở thành những “thần tượng quốc dân” với lượng follower cao chót vót mà những sao showbiz cũng phải ngả mũ. Hình ảnh một biển người màu đỏ chào đón ban lãnh đạo và các cầu thủ U23 trở về Việt Nam hay “hiệu ứng U23” kéo dài suốt một thời gian dài sau đó... cho thấy bóng đá có thể tăng tinh thần đoàn kết và tự hào dân tộc lên đến nhường nào.
Vậy hãy tưởng tượng thay vì giải U23 Châu Á và tấm Huy chương Bạc, đó là World Cup và chiếc Cúp vàng danh giá. Chắc chắn đó sẽ là niềm tự hào không thể nói nên lời, bởi cả thế giới đều biết bạn là nhà vô địch. Lý do những Cristiano Ronaldo và Lionel Messi dù xuất sắc không tưởng vẫn chưa được xếp vào vị trí đầu bảng trong danh sách những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử là bởi trong bộ sưu tập danh hiệu của họ vẫn thiếu đi một chiếc Cúp World Cup.
Hai cầu thủ được xem là xuất sắc nhất của thế giới túc cầu là Pele và Maradona đều là những huyền thoại của World Cup. Pele là người duy nhất từng ba lần World Cup và được phong danh “Vua bóng đá” còn Maradona được xem là Thánh sống tại quê hương Argentina nhờ dẫn dắt đội tuyển nước này lên ngôi vô địch thế giới năm 1986. Trong bóng đá, World Cup là thánh địa thiêng liêng nhất, nơi lịch sử được viết nên và chiếc Cúp vàng dành cho nhà vô địch chính là Chén thánh mà mọi cầu thủ đều mơ ước một lần được chạm tới!
Việt Nam chưa bao giờ được dự vòng chung kết World Cup, nhưng tác động của nó tới người hâm mộ bóng đá chẳng hề thua kém một nước nào. Với thế hệ cha chú của người viết, những ký ức đầu tiên về World Cup là qua những trang ấn phẩm “Tin nhanh Espana 82” của Thông tấn xã Việt Nam. Khi đó, hình ảnh trên sóng truyền hình vẫn còn xuất hiện dưới dạng trắng đen và thông tin chưa được cập nhập từng phút, từng giây qua mạng Internet ngày nay.
Vậy nên sự ra đời của ấn bản đặc biệt kể trên như thỏa cơn khát thiếu thông tin của người hâm mộ, dù rằng thông tin không phải lúc nào cũng đầy đủ và mới mẻ. Một tờ báo không chỉ được chuyền tay từ cha tới con trong gia đình mà còn được san sẻ với cả hàng xóm. Hình ảnh đám trẻ túm năm tụm ba, chúi mũi đọc chung một tờ báo mãi in đọng trong tâm trí của người chú 7X của tôi, một fan ruột của đội tuyển Brazil kể từ năm 1982. Tôi được các bậc cha chú kể những câu chuyện về việc bác hàng xóm từng bị vợ giận không nói chuyện chỉ vì dành hết tiền bán thóc để mua chiếc TV mới, để rồi đành xí xóa cho chồng khi thấy hàng xóm lũ lượt kéo sang nhà mình để biến trận bóng thành một ... buổi họp tổ dân phố.
Với một người sinh năm 1991 như người viết, giải đấu năm 1994 – khi lần đầu truyền hình ở Việt Nam có tổ chức bình luận một cách bài bản – vẫn còn quá nhạt nhòa bởi còn quá bé để có thể thưởng thức bóng đá. Nhưng giải đấu diễn ra tại Pháp sau đó bốn năm lại là một câu chuyện khác. Đó là ký ức không thể nào quên về cảm giác phấn khích khi được sưu tầm sticker các danh thủ như Ronaldo “béo”, Bergkamp hay Suker; vui thích lật từng trang đặc san bóng đá để tìm hiểu về lịch sử giải đấu hay dỏng tai lắng nghe người lớn không ngừng bàn tán sôi nổi về những trận đấu trên TV trong lúc nấu mỳ úp để ăn đêm...
Đám trẻ con trong phố của tôi ngày ngày đều tranh thủ chơi bóng khi có thể, vừa đá trái bóng nhựa màu xanh đỏ với độ xoáy biến ảo vừa tưởng tượng mình là ... “người ngoài hành tinh” Ronaldo. Mùa hè năm ấy, đi đến quán cà-phê nào cũng thấy ca khúc “The Cup of Life” được bật. Không hiểu được Ricky Martin đang hát gì, nhưng riêng đoạn điệp khúc “Gâu gâu gâu, À lề à lế à lê” (Go, go, go! Ale, ale, ale!) là cả đám trẻ lại ùa lên hát theo với sự vui thú. Những thứ như trò chơi điện tử FIFA, các bộ truyện như “Kính vạn hoa”, “Đường dẫn đến khung thành” hay “Subasa” càng giúp nuôi dưỡng thứ tình yêu bóng đá trong chúng tôi từ tấm bé.
Bốn năm sau, World Cup được tổ chức tại Nhật Bản và Hàn Quốc, giúp khán giả Việt Nam dễ xem bóng đá hơn rất nhiều. Tại giải đấu này, những ai từng rơi nước mắt vì Ronaldo bốn năm trước có dịp ăn mừng khi chàng tiền đạo răng thỏ trở lại xuất sắc với danh hiệu Vua phá lưới và giúp Brazil đăng quang. Hình ảnh đó là phép nhiệm màu của bóng đá, khi kẻ thất bại ngày hôm qua có thể trở thành nhà vô địch ngày hôm nay. Bóng đá đem tới những trạng thái cảm xúc muôn hình vạn trạng, từ hạnh phúc tột cùng tới buồn bã khôn nguôi có khi chỉ cách nhau trong gang tấc với một cú sút.
Việt Nam chưa từng dự được World Cup, nhưng tình yêu được hình thành với các cá nhân cầu thủ từ các giải đấu cấp CLB hay lối chơi của đội tuyển khiến người hâm mộ có thể nhiệt thành cổ vũ những đội tuyển Anh, Ý hay Brazil một cách cuồng nhiệt. Kể từ khi người viết bắt đầu xem bóng đá cho tới nay, đã có tổng cộng năm kỳ World Cup để từ một cậu bé xem bóng đá với tư cách người hâm mộ giờ đã trưởng thành và viết về môn thể thao này.
Đã từng có lúc người viết cảm thấy bóng đá ngày càng bị “bão hòa”, khi khán giả ngày nay không còn thiếu thốn bóng đá như ngày xưa và không còn háo hức với World Cup. Chỉ với một chiếc smartphone và mạng Internet, bạn có thể tra cứu thông tin về bất kỳ trận đấu, giải đấu hay cầu thủ nào. Và vì truy cập thông tin đã trở nên dễ dàng và phong phú như vậy, World Cup dường như chỉ là một sự kiện bóng đá mới.
Thế rồi khi theo dõi hành trình dài tập về việc mua bản quyền World Cup tại Việt Nam hay chứng kiến những người bạn, những đồng nghiệp lên đường sang Nga tác nghiệp mới lại thấy rằng dân mình vẫn còn “máu” bóng đá lắm. Thời kỳ công nghệ 4.0, mọi thứ đều thay đổi chóng mặt nên dĩ nhiên bóng đá không thể đứng yên với dòng chảy của thời đại. Và cuối cùng sau những giờ phút chuẩn bị, người hâm mộ cuối cùng cũng chuẩn bị được sống trong bầu không khí “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” bốn năm mới có một lần. Được dõi theo những cầu thủ ưu tú nhất thế giới, được thưởng thức những trận cầu giữa những nền bóng đá nhiều “ân oán” và háo hức chờ đón nhà vô địch mới. Hành trình đến với “chiếc Chén Thánh” World Cup sẽ chính thức bắt đầu từ ngày hôm nay, tại sân Luzhniki Stadium!
Nguồn: Tri thức trẻ, Kênh 14.