Dưới lòng đất trung tâm Sài Gòn, hàng trăm công nhân quần quật ngày và đêm để hoàn thiện đường hầm metro đúng tiến độ.
Nhà ga Ba Son hiện tại đã hoàn thành về cơ bản. Nhà ga này dài 240, rộng 34,5m và sâu 17,3m. Ga được thiết kế gồm 2 tầng ngầm, tầng ngầm 1 cho chiều tàu metro chở khách từ trung tâm Bến Thành về Suối Tiên và tầng ngầm 2 cho chiều ngược lại.
Hầm Metro Ba Son sắp hoàn thành trong tháng 6-2018 - Thực hiện: Chí Hữu
Công nhân đang thi công phần nền tầng hầm của nhà ga Ba Son, nơi đang đào tuyến đường hầm Ba Son - Nhà hát Thành phố.
Hầm thứ 2 bắt đầu từ ga Ba Son tới nhà hát Thành phố dài 781m, tổng thầu Shimizu Maeda đã hoàn thành được 470/781m. Siêu robot BTM đã khoan tới vị trí dưới ngã tư Nguyễn Siêu - Hai Bà Trưng, Q.1.
So với đường hầm thứ nhất, đường hầm thứ 2 có độ sâu khoảng 10 m. Do cạn hơn đường hầm thứ nhất nên có thể sẽ ảnh hưởng đến các công trình trên mặt đất lớn hơn.
Ts. Phan Hữu Duy Quốc - Phó Trưởng đại diện dự án hạ tầng, Tập đoàn Shimizu, cho biết: "Dường hầm thứ 2 này nằm ở độ sâu khoảng chừng 10 m dưới lòng đất, theo tính toán sẽ ảnh hưởng đến các công trình xung quanh vì vậy việc đào phải thận trọng, quá trình thi công sẽ quan trắc liên tục để điều chỉnh cho an toàn nhất".
Tuyến đường hầm có lộ trình đi từ ga Ba Son băng qua đường Tôn Đức Thắng, Ngô Văn Năm, đi dưới đường Nguyễn Siêu, băng qua Hai Bà Trưng, vào giữa Nhà hát TP và khách sạn Caravelle, băng qua Đồng Khởi đến ga Nhà hát Thành phố.
Đường hầm thứ hai này dài tương đương với đường hầm thứ nhất (đã hoàn thành vào tháng 11/2017), dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6/2018.
Mỗi ngày, công nhân thi công trong hầm liên tục 24/24 để hoàn thành kịp tiến độ trong khoảng 12-15/6.
Những khối bê tông nặng 2,5 tấn, dài 3,5m, dày 30cm được công nhân đưa vào bằng đường giây chạy dài suốt tuyến hầm.
Các kỹ sư giám sát của nhà thầu theo dõi qua màn hình tại phòng điều khiển trung tâm đặt trong đường hầm, các bộ phận liên lạc thường xuyên với nhau để đảm bảo vận hành ăn ý trong quá trình thi công.
Hàng loạt các thông số được giám sát chặt chẽ trong phòng điều khiển trung tâm.
Máy BTM mỗi ngày đào được từ 8-10m. Lượng đất đào được được trộn với nước, vận chuyển bằng đường ống lắp sát trần hầm.
Kỹ sư vận hành siêu robot BTM liên tục kiểm tra các thông số của máy.
Trước khi được lắp đặt vào vị trí, những khối kiện vỏ hầm bằng bê tông nặng tới 2,5 tấn sẽ được công nhân làm sạch bằng nước.
Sau đó các công nhân điều khiển máy di chuyển những tấm này vào vị trí định sẵn, kết nối chúng bằng bu lông.
Mỗi tấm được kết nối bằng 5 chiếc bu lông, đảm bảo "yên vị" do được liên kết với nhau cả chiều ngang lẫn chiều dọc.
Đôi phút nghỉ mệt của công nhân lắp những khối bê tông vỏ hầm.
Theo các công nhân, mỗi ca làm việc của họ kéo dài 11 giờ. Do làm việc trong môi trường hầm kín nên có khi không nhận ra đang là buổi nào trong ngày.
Nguồn: Theo Chí Hữu
Trí Thức trẻ