Cầu Bạch Đằng và cao tốc Hạ Long - Hải Phòng là hai trong số ba đại dự án của tỉnh Quảng Ninh đang được nhiều người quan tâm và mong đợi ngày khánh thành vào cuối tháng 6 năm nay.
20h, đèn tàu le lói phía xa, sóng vỗ dập dìu, gió thổi mát rượi khác hẳn với cái nắng bỏng lưng ban trưa, ông Lê Văn Oai cùng đồng nghiệp kết thúc ngày làm việc của mình.
Đó cũng là lúc nhóm công nhân khác nhận ca và làm việc tiếp nối đến nửa đêm.
Kể từ ngày ông Oai làm việc trên cây cầu Bạch Đằng đến nay đã tròn 3 tháng. Người đàn ông 50 tuổi nghỉ hưu non ở nhà máy sửa chữa tàu biển rồi về quê Thái Bình làm thợ xây, phụ mùa màng với vợ. Được người cháu giới thiệu, ông lại khăn gói ra thành phố cảng để làm sắt thép trên cầu.
“Tôi mất một tuần đầu để học hỏi và bắt nhịp với công việc. Đây là việc hoàn toàn mới tôi chưa bao giờ làm, giờ thì thành thạo rồi”, người đàn ông nhiều tuổi nhất trong nhóm công nhân nhưng vẫn còn nhanh nhẹn vừa uốn miếng sắt vừa chia sẻ.
Chiếc thang máy được ghép bởi 6 tấm lưới sắt lớn từ từ đưa ông Oai cùng đồng nghiệp lên trên cầu để làm việc. Đoạn đường khoảng 100 m, cao chưa bằng tòa nhà 30 tầng đầy chòng chành, tiếng máy móc rền vang, tiếng sắt thép va vào nhau loảng xoảng. Thang máy dừng lại, người điều khiển thả tấm sắt nối thang máy với cầu để công nhân đi lại. Họ tiếp tục phải di chuyển trên những thanh sắt chỉ bằng nửa bàn chân được đặt xen kẽ, nhìn rõ dòng sông đang cuồn cuộn phía dưới, nếu không cẩn thận, tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Vậy mà ông Oai vẫn phăm phăm bước đi. Ngày mới vào nghề, ông cũng có cảm giác lo sợ nhưng đi lại hàng chục lần mỗi ngày thì dần quen. “Ngày trước tôi sợ độ cao lắm, lần đầu tiên lên cầu cũng run run, ngó xuống đất thấy người đi lại nhỏ xíu, cũng định không làm nữa nhưng thấy mình khó tìm được công việc khác nên đành nhắm mắt liều thôi. Giờ mọi thứ cũng bình thường rồi”, ông chia sẻ.
Khác với ông Oai, dù mới 30 tuổi anh Nguyễn Văn Hảo đã có 6 năm kinh nghiệm trong nghề xây dựng cầu. Anh từng làm ở Cà Mau, Cam Ranh rồi về Hải Dương. Nay anh nhận công việc ở cầu Bạch Đằng trong vai trò công nhân Công ty thi công cơ giới 1, đã gần 1 năm.
Cảnh hối hả thi công tại trụ dây văng đầu tiên phía địa phận thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Công nhân Lê Văn Oai (quê Thái Bình) lần đầu được chung tay làm một cây cầu trong đời.
Anh Nguyễn Văn Hảo đã có 6 năm kinh nghiệm xây dựng cầu.
Sau bữa cơm tối, Hảo đi đi lại lại quanh khu lán công nhân để dò sóng điện thoại. Anh bảo sóng ở dưới này lúc có lúc không nên thường chủ động gọi điện về cho vợ con: “Biết là sóng chập chờn nhưng mỗi lần vợ gọi điện ra không được cũng sốt ruột lắm nên tôi toàn gọi trước. Đi xa nhà lâu cũng quen rồi, giờ về quê cũng không biết làm nghề gì được thu nhập như bây giờ”.
Đó là 2 trong số gần 100 công nhân đang trực tiếp làm việc ở cầu Bạch Đằng những ngày cuối tháng 3. Một nhóm lắp ráp các ống nhựa, một nhóm hàn xì, một nhóm trộn vôi vữa… mỗi người một công việc để kịp hoàn thành tiến độ.
Đã 3 năm từ ngày cây cầu khởi công, đã có biết bao những người như ông Oai, anh Hảo. Họ làm bất kể nắng mưa, không có ngày nghỉ. Nhiều ca bắt đầu khi trời nhá nhem tối và kết thúc khi mặt trời lấp ló phía đông.
Cây cầu nối liền ba thành phố
Những tia nắng buổi sáng chiếu rọi lên những chiếc dây văng in bóng xuống mặt cầu tạo nên những vệt dài loang lổ. Một ngày làm việc mới bắt đầu. Anh Hảo, ông Oai lại tiếp tục công việc của mình như bao ngày trước đó.
Dù đã xây dựng nhiều cây cầu nhưng người thanh niên đến từ Phú Thọ bảo đây là lần đầu tiên anh được làm một cây cầu dây văng do cán bộ, kỹ sư người Việt thiết kế, thi công. Anh thấy công việc không có nhiều khác biệt, có chăng nơi làm việc gần quê hơn nên tiện về thăm nhà.
Cầu Bạch Đằng nhìn từ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, từ đây nối liền một trục tới cao tốc Hạ Long - Hải Phòng phía bên kia sông.
Cầu Bạch Đằng nhìn từ cảng Đình Vũ (Hải Phòng).
Các nhà thầu thi công khẳng định sẽ hoàn thành dự án đúng như cam kết với tỉnh Quảng Ninh và sẽ hợp long cầu trước ngày 30/4 cũng như hoàn thành toàn bộ cầu trước ngày 30/6.
Đường dẫn cầu Bạch Đằng đoạn gần cảng Đình Vũ (Hải Phòng).
"Mảnh ghép" cuối cùng của cây cầu đang dần được hợp long.
Những người công nhân dường như quá nhỏ bé khi nhìn từ xa trên cây cầu dài hun hút. Đây là cầu lớn nhất trong tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng. Cầu có đường dẫn và nút giao thông cuối tuyến dài 5,4 km, rộng 25 m, thiết kế bốn làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h.
Riêng cầu Bạch Đằng dài 3 km, kết cấu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, tĩnh không thông thuyền rộng 250 m, cao 48,4 m, chịu được động đất cấp 8. Cầu có ba trụ tháp, trụ tháp giữa cao 99,74 m, trụ tháp hai bên cao 94,5 m với bốn nhịp cầu dây văng.
3 trụ tháp hình chữ H mang ý nghĩa ba chữ cái đầu của tên các thành phố Hạ Long, Hải Phòng và Hà Nội. Hiện các trụ tháp và các khối đúc đã hoàn thành xong.
Các nhà thầu thi công khẳng định sẽ hoàn thành dự án đúng như cam kết với tỉnh Quảng Ninh và hợp long cầu trước ngày 30/4 cũng như hoàn thành toàn bộ cầu trước 30/6.
Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng nối cầu Bạch Đằng
Dừng lại trên đường cao tốc đoạn cầu sông Hốt, ven đường vẫn còn chất gạch đá ngổn ngang, chị Vân vẫy một chiếc xe ngược chiều để hỏi đường.
- Đường đi ra cây cầu 3 chữ H ấy hả, cứ đi thẳng hướng này này, từ đây ra đấy đường đi tốt rồi nhưng đoạn gần cầu chưa làm xong đâu nên phải đi bộ đấy.
- Tôi vừa đi cao tốc thấy xe cộ đi lại tấp nập rồi cứ nghĩ là cầu thông rồi chứ?
- Chắc sang tháng là xong thôi, bây giờ chưa đi được đâu.
Dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với 4 làn xe nối hai thành phố là công trình được nhiều người dân các tỉnh vùng Đông Bắc quan tâm. Bởi khi hoàn thiện, chị Vân sẽ không phải đi phà hay đi qua TP Uông Bí rồi theo quốc lộ 10 đến thành phố hoa phượng đỏ nữa. Quãng đường từ TP Hạ Long đi Hà Nội sẽ chỉ còn 130 km, được rút ngắn 50 km. Riêng từ Hạ Long đi Hải Phòng và ngược lại chỉ còn 25 km thay vì 75 km như hiện nay.
Nói đoạn chị Vân quay lại nhìn con đường to rộng đã sắp hoàn thiện, nhiều phương tiện từ ôtô, xe máy, xe đạp đều lao đi vun vút trên tuyến cao tốc có chiều dài gần 20 km.
Các đơn vị thi công đang hối hả làm việc để dự án bắt kịp tiến độ.
Dọc đường rải rác bóng dáng của những người lao động cần mẫn làm việc.
Một người công nhân cẩn thận rửa sạch đế giày rồi bước vào đoạn đường vừa rải nhựa, lấy chiếc chổi đã nhúng nước để làm sạch bánh xe lu đang lăn qua lăn lại cho mặt đường được bằng phẳng.
Nhóm công nhân khác cào gọn những viên đá còn vương vãi. Phía xa mấy người phụ nữ thay nhau cầm ống nước rửa đường. Mỗi người một việc phối hợp nhịp nhàng.
Những tiếng búa vang lên chan chát từ những người đàn ông khỏe mạnh đang phá đá kè đường. “Tôi làm ở đây được 3 năm rồi, cứ hết đoạn này đến đoạn khác, thế mà cũng sắp xong rồi đấy. Làm đường ở đây may mắn là gần biển nên vào mùa hè đỡ nóng hơn”, nam công nhân tên Tùng tạm dừng công việc ngồi nghỉ, tận hưởng những luồng gió biển mát rượi.
Từ cầu Bạch Đằng, có thể nhìn ngắm bến cảng tấp nập tàu ghe đi lại, nhộn nhịp giao thương. Tiếng còi tàu được gió biển cuốn đi vang mãi cả đoạn đường. Cảnh vật thay đổi liên tục trên suốt quãng đường gần 20 km ấy.
Có những đoạn xe bon bon đi giữa cánh đồng lúa xanh rì, những rừng tràm rung rinh trong nắng, có chỗ lại như đang đứng giữa biển khơi mênh mông. Và khi nhìn thấy những dãy núi nhấp nhô trên mặt biển, thứ “đặc sản” không thể trộn lẫn với bất kỳ vùng đất nào, đấy là bạn đã đến với TP Hạ Long.
Ngoài tuyến đường cao tốc nối Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, thành phố cảng còn có nhiều công trình đầu tư hạ tầng khởi động và hoàn thành năm 2018. Trong đó Cảng quốc tế Hải Phòng sẽ khánh thành hai bến khởi động cửa vào giữa năm nay, tiếp nhận tàu lớn nhất của thế giới; đường ven biển kết nối giữa Quảng Ninh với Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa đang được thi công.
Tới đây, Hải Phòng sẽ triển khai xây dựng các công trình: Nhà ga số 2 Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện số 2 và xây dựng các bến tiếp theo của Cảng quốc tế Hải Phòng…
Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng tại điểm đầu giao với quốc lộ 18 thuộc địa phận phường Đại Yên, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh).
Cầu Bạch Đằng là dự án quan trọng nhất của dự án đường cao tốc Hà Nội -Quảng Ninh. Việc kết hợp với tỉnh Quảng Ninh xây dựng cầu Bạch Đằng nằm trong chiến lược đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư của UBND Hải Phòng.
Trong bối cảnh hạ tầng giao thông luôn được ví như huyết mạch phát triển kinh tế - xã hội, việc đầu tư vào hệ thống cầu, đường để mở đường các ngành kinh tế khác luôn được đánh giá là “đồng tiền khôn đi trước” của các địa phương, đặc biệt là những tỉnh có lợi thế về thương mại và du lịch, vốn trông chờ chủ yếu vào lưu lượng khách.
Những người công nhân như ông Oai, anh Hảo có thể không hiểu hết được mỗi viên gạch họ đặt xuống, mỗi khối xi măng họ dựng lên quan trọng như thế nào trong việc thông toàn tuyến Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long. Họ chỉ biết ngày đêm cần mẫn làm việc, hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Với ông Oai, đó là công việc giúp anh có tiền nuôi người con út đang học đại học ở Hà Nội. Với anh Hảo, những đồng tiền làm ra chỉ mong vợ con có cuộc sống đủ đầy, bù đắp cho những tháng ngày không có người chồng, người cha bên cạnh.
Còn về phía người dân phía hai bên cầu như chị Vân, khoảng cách sẽ được rút ngắn hơn bao giờ hết.
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh đến ngày 23/3, toàn bộ các gói thầu thi công đường (gói XL-01 và XL-03) đã hoàn thành móng cấp phối đá dăm, đang thảm bê tông nhựa thường và bê tông nhựa polyme. Dự kiến toàn tuyến thảm xong trong tháng 3/2018, đến đầu tháng 4/2018 vệ sinh toàn bộ mặt đường để thi công lớp tạo nhám Novachip và sơn kẻ đường.
Các cầu trên tuyến bao gồm cầu sông Hốt, sông Chanh, sông Rút, Phong Hải đang thảm bê tông nhựa mặt cầu, dự kiến xong toàn bộ trước 31/3.
Gói thầu ATGT, cây xanh, điện chiếu sáng đang thi công đồng thời giải phân cách giữa, lắp đặt cột điện, hệ thống biển báo và dự kiến hoàn thành trong tháng 4.