Vụ không kích của liên quân hôm 14/4 chỉ là bước leo thang mới nhất trong cuộc nội chiến kéo dài 7 năm qua ở Syria, nơi đã trở thành bàn cờ toan tính giữa các cường quốc.
"Chỉ trong vài ngày, Chiến tranh thế giới thứ 3 thu nhỏ như thể đang diễn ra trong lòng Syria", New York Times bình luận trong bối cảnh chiến sự tại Syria leo thang những ngày đầu tháng 2, với sự can dự trực tiếp của các cường quốc bên ngoài như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel vào cuộc nội chiến.
Từ chỗ đối đầu giữa quân đội chính phủ với người biểu tình ôn hòa, nội chiến Syria nay trở thành võ đài quân sự - chính trị giữa các cường quốc khu vực và thế giới, với gần 500.000 người đã thiệt mạng và hàng triệu dân thường trở thành tị nạn.
Cuộc không kích hôm 14/4 do liên quân Mỹ - Anh - Pháp tiến hành là bước leo thang tiếp theo trong bối cảnh Syria đang chia năm xẻ bảy, hứa hẹn cuộc nội chiến đến nay đã bước sang năm thứ 7 sẽ chưa thể đi đến hồi kết.
Đêm ngày 13/4, trước khi Mỹ và đồng minh tiến hành không kích ở Syria, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres một lần nữa cảnh báo các cường quốc đang cùng đẩy nhau đến thảm hoạ. “Chiến tranh lạnh đang trở lại”, ông nói. Tuy nhiên, sự việc đêm hôm ấy có khác biệt, đó là tình hình không còn “lạnh” nữa: quân đội Mỹ, Anh và Pháp đã ồ ạt tấn công các mục tiêu tại Syria.
Trước ngày không kích, một quan chức Mỹ nói với Reuters rằng các cố vấn cao cấp của tổng thống, như Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, đã cố gắng thuyết phục ông Trump đừng làm mạnh tay. Lý do là nó sẽ dẫn đến nguy cơ leo thang với đồng minh của Assad là Nga, trong khi Nhà Trắng vẫn chưa thể có chiến lược dài hạn ở Syria.
Thoạt đầu, Tổng thống Trump muốn giáng đòn nặng nề vào các căn cứ chủ chốt ở Syria, nhưng sau đó quyết định giảm nhẹ cường độ bằng việc chỉ tiêu diệt các cơ sở được cho là chứa vũ khí hoá học. Bởi, ông Trump nhớ ra rằng thành phần cử tri ủng hộ trong nước quan trọng của ông đều không muốn Mỹ sa lầy vào cuộc chiến ở Syria.
Tuy nhiên, sau khi thông báo về vụ không kích, chính quyền Trump tiếp tục cảnh báo sẽ ra tay lần nữa nếu Damascus lại sử dụng vũ khí hoá học. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley phát biểu mạnh mẽ trước Hội đồng Bảo an rằng “nếu chính quyền Assad lặp lại, tên lửa Mỹ đã chốt và sẵn sàng phóng”. Những tuyên bố cứng rắn như vậy kéo Mỹ lún sâu hơn vào tình hình Syria.
Do vậy, khi Tổng thống Trump đăng trên Twitter rằng “Nhiệm vụ hoàn thành”, nhiều chuyên gia ngay lập tức đặt câu hỏi “nhiệm vụ” ở đây là nhiệm vụ nào?
Bình luận về vụ không kích, Thượng nghị sĩ John McCain cho rằng để thành công về đường dài thì “chúng ta cần một chiến lược toàn diện cho Syria và khu vực”. “Những vụ không kích riêng rẽ so với một kế hoạch tổng thể là điều cần thiết, nhưng chỉ riêng nó thì không đủ để đạt được những mục tiêu của Mỹ ở Trung Đông”, vị nghị sĩ từng kêu gọi những giải pháp quyết liệt hơn với quân đội Assad nói.
Một số quan chức Mỹ thừa nhận việc thay đổi chính quyền ở Syria và loại bỏ Assad đến nay không phải là ưu tiên lớn đối với chính quyền Trump. “Câu trả lời cho số phận Assad chưa rõ ràng. Ông ta đã trụ vững nhờ sự ủng hộ to lớn của Iran và Nga. Assad đang tận dụng điều này”, Firas Maksad, Giám đốc Quỹ Arab ở Washington, nói.
Trong tuyên bố ủng hộ hành động của Mỹ, lãnh đạo các nước Anh và Pháp đều khẳng định việc họ tham gia không kích là nhằm chứng tỏ việc sử dụng vũ khí hoá học sẽ không thể được dung thứ. Theo tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria (SOHR), ít nhất 350.000 người thiệt mạng vì các loại khí độc này ở Syria. Một ngày sau vụ không kích, Bộ Ngoại giao Syria lập tức ra thông báo “quyết tâm và ý chí của nhân dân Syria sẽ không bị ảnh hưởng. Quân đội sẽ tiếp tục theo đuổi tàn dư khủng bố và bảo vệ chủ quyền đất nước”.
Cố vấn cao cấp về Trung Đông của Tổng thống Obama nhiệm kỳ đầu tiên, Dennis Ross, nói những vụ không kích chỉ ảnh hưởng nhỏ đến bối cảnh tổng thể ở Syria. “Cách làm của ông Trump không phải là hướng đến cân bằng quyền lực ở Syria. Mục tiêu của ông ấy chỉ nhắm phiến quân IS và ngăn chặn Assad lại sử dụng vũ khí hoá học”.
Bà Lina Khatib, chủ nhiệm chương trình về Trung Đông và Bắc Phi ở Viện Chatham (Anh) nói việc Mỹ không kích lần hai có nghĩa là vụ không kích đầu tiên cách đây một năm, cũng do chính Tổng thống Trump phát động, đã thất bại. “Nó không đủ để ngăn Assad lặp lại chiến lược của ông ta”, bà Khatib nói trên Guardian.
Chia sẻ quan điểm trên, Jennifer Cafarella, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh nói những vụ không kích là “cần thiết nhưng chưa hiệu quả”. “Trái lại, chính quyền Assad coi những quả tên lửa và bom này là cái giá chấp nhận được, cần thiết phải trả để đổi lấy chiến thắng. Ông ta có thể sẽ tiếp tục những chiến lược của mình mà không cần chần chừ nữa”. Theo bà, hành động của Mỹ chỉ thực sự tác động lớn đến những toan tính của Assad nếu “Mỹ nắm đằng chuôi về sự tồn vong của bộ máy Assad, hoặc kiểm soát, khống chế được những nước ủng hộ ông ta như Iran và Nga”.
Tuy nhiên, Colin H. Kahl, cố vấn an ninh quốc gia của cựu phó tổng thống Joe Biden, nói trên New York Times rằng một mặt ông Trump khôn ngoan không chỉ đạo không kích vào các mục tiêu có thể gây ra tổn thất cho phía Nga, “nhưng chính vì như vậy nên rất khó gây ra tổn hại nghiêm trọng thật sự với Assad”.
Theo ghi nhận của Maksad, Nga đã 3 lần tuyên bố chiến thắng ở Syria, nhiều lần ngăn chặn thành công những nỗ lực quốc tế hướng đến chuyển tiếp chính trị ở Syria và sự ra đi của Assad. “Ông Putin có quyết tâm chính trị rất mạnh và tiềm lực để tiếp tục tham gia vào Syria. Và ông đã chứng minh điều này trong ba năm qua”.
Do vậy, ông Ross cảnh báo một hướng suy diễn nguy hiểm rằng “việc Trump phát động không kích có thể khiến người Nga nghĩ rằng chỉ cần ngăn chặn Syria sử dụng vũ khí hoá học chính là cách đẩy Mỹ ra khỏi chiến sự Syria. Do đó, các cuộc không kích vừa qua hầu như không tạo ra thay đổi nào”.
Cuộc không kích hôm 14/4 của liên quân Mỹ - Anh - Pháp, dẫu lớn gấp đôi về quy mô so với năm 2017, được đánh giá là không có nhiều tác động tới cục diện chung trên chiến trường Syria, nơi mà BBC nhận định là "Nga đang nắm thế thượng phong".
Mục tiêu của Nga tại Syria rất rõ ràng: chấm dứt chiến sự và duy trì một chính phủ nằm trong vòng ảnh hưởng của Moscow.
Dưới sự hậu thuẫn của Nga và Iran, lực lượng ủng hộ chính phủ của Tổng thống Assad đang giành nhiều chiến thắng quan trọng trên chiến trường và tái chiếm các vùng lãnh thổ rộng lớn từng thuộc quyền kiểm soát của phe nổi dậy. Thậm chí, sau vụ không kích của liên quân, Syria cho biết đang chuẩn bị mở cuộc tấn công vào thành phố Daraa, nơi hiện nằm dưới sự kiểm soát của Southern Front, nhóm vũ trang nổi dậy do Mỹ và Saudi Arabia hậu thuẫn.
Sau chiến thắng tại Đông Ghouta, New York Times tính toán chính quyền của Tổng thống Assad đang kiểm soát 55% diện tích lãnh thổ Syria. Phe nổi dậy hiện chỉ còn kiểm soát 16% lãnh thổ, và con số này có nguy cơ giảm dần trước sức tấn công vũ bão của liên quân Nga - Syria. Chiến thắng quân sự là điều không thể phủ nhận.
Canh bạc can dự sâu vào cuộc nội chiến Syria cũng mang lại cho Nga hai trái ngọt, đó là thiết lập căn cứ không quân Khmeimim ở Latakia và đặc biệt là sự hiện diện lâu dài với thỏa thuận 49 năm tại căn cứ hải quân tại cảng Tartus, phía Tây của Syria.
Tartus là căn cứ hải quân duy nhất của Nga bên bờ Địa Trung Hải. Quân cảng này giúp Nga hiện diện quân sự tại một trong các tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới, nối Đại Tây Dương với Ấn Độ Dương, đối trọng với một loạt căn cứ quân sự của Mỹ và NATO tại Cyprus, Italy và Hy Lạp. Cùng với căn cứ không quân Khmeimim, đây là hai căn cứ quân sự duy nhất của Nga bên ngoài lãnh thổ các nước thuộc khối Đông Âu và Liên Xô cũ.
Michael Knights, chuyên gia nghiên cứu từ Viện chính sách Cận Đông tại Washington, cho rằng "Nga đang trên đà chiến thắng và đã đạt được nhiều mục tiêu chiến lược", nếu so với những thế lực khác đã bỏ nhiều tâm huyết vào Syria như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia hay Mỹ.
"Cái Moscow hướng tới là một nguyên trạng với Tổng thống Assad vẫn tại vị, hai căn cứ bên bờ Địa Trung Hải đảm bảo hiện diện quân sự của Nga, và liên minh với Iran - Thổ Nhĩ Kỳ giúp tăng vị thế chính trị của Nga tại khu vực", ông Knights nhận định.
Chuyên gia Columb Strack từ Viện nghiên cứu chính sách IHS Markit, London đánh giá Syria có vai trò then chốt về địa chính trị và quân sự với Nga. Đảng Baath cầm quyền tại Syria đã là đồng minh của Liên Xô, và sau này là Nga, từ năm 1956. Sau hàng thập niên, khi các nước Arab trong khu vực dần rơi vào quỹ đạo ảnh hưởng của Washington, Syria trở thành đồng minh duy nhất của Moscow tại Trung Đông, giúp Nga không bị "hất cẳng" và mất hết ảnh hưởng ở khu vực.
"Nga không chấp nhận phương Tây dùng sức mạnh để chấm dứt triều đại của Assad. Những tính toán sai lầm của phương Tây có nguy cơ đẩy xung đột tại Syria vượt quá lằn ranh giới hạn", ông Strack nhận định.
Moscow phản ứng nhanh chóng trước cuộc không kích hạn chế của Mỹ tại Syria bằng một loạt chỉ trích cứng rắn và mạnh mẽ. Tổng thống Putin lần này cũng lập tức lên tiếng nhanh một cách bất thường để chỉ trích vụ tấn công, cáo buộc Mỹ gây tổn hại thêm cho tình hình thường dân. Trước đây, ông Putin thường đợi vài ngày rồi mới thể hiện quan điểm về các khủng hoảng quốc tế. Nên việc ông ra tuyên bố chỉ vài giờ sau đêm không kích cho thấy Điện Kremlin xem vụ việc lần này là một tình huống rất quan trọng.
Tuy nhiên, một cảm giác nhẹ nhõm cũng xuất hiện trong các tuyên bố. Bộ Quốc phòng Mỹ phản ứng rất sớm so với thường lệ, khi ra thông báo tuyên bố không người nào trong hàng nghìn lính Nga đóng quân ở Syria bị đe doạ bởi vụ không kích. Lầu Năm Góc cũng cho biết các radar Nga tại Syria trên thực tế đã phát hiện ra máy bay chiến đấu của Mỹ, nhưng Nga không tấn công về chúng mà chỉ cố gắng bắn hạ một số tên lửa hành trình.
“Có vẻ như cả hai bên đều đang thực hiện đúng vai trò của mình và cố gắng hạn chế tổn hại để tránh đối đầu. Syria sẽ không phải là điểm xuất phát cho cuộc chạm trán toàn cầu”, Aleksandr M. Golts, chuyên gia quân sự Nga bình luận trên trang Yezhednevny Zhurnal.
Đại sứ Mỹ tại Nga, John Huntsman, cũng đăng thông báo trên Facebook rằng “trước khi hành động, Mỹ đã liên lạc với phía Nga để giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến bất kỳ người Nga nào”.
Ngoài những chỉ trích từ Nga, báo New York Times bình luận rằng việc Moscow đến nay vẫn chưa có động thái phản ứng nào khác như cho thấy Điện Kremlin ngầm chấp nhận cái giá phải trả cho sự can dự vào tình hình Syria.
“Nga lên án mạnh mẽ nhất cuộc tấn công vào Syria, nơi binh sĩ Nga đang hỗ trợ chính quyền hợp pháp ở nước này đấu tranh chống khủng bố. Do vậy, bằng hành động của mình, Mỹ khiến thảm hoạ nhân đạo ở Syria càng thêm tê hại, khiến người dân khốn khổ hơn”, tuyên bố của ông Putin cho biết.
Tuyên bố được đánh giá là giọng điệu bình tĩnh và có phần “nhẹ tông” hơn so với những tuần trước. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Nga, Đại tướng Valery V. Gerasimov, từng cảnh báo Điện Kremlin sẽ “tiến hành những biện pháp đáp trả” nếu Mỹ tấn công. Theo ý của ông, chỉ cần sự an nguy của binh sĩ Nga bị đe doạ thì nước này sẽ không ngần ngại tấn công những tàu chiến, máy bay Mỹ phóng ra các tên lửa.
Tuy nhiên, nguy cơ về một cuộc đối đầu hạt nhân như năm 1962 đã không xảy ra. Bộ Quốc phòng Nga cũng nhanh chóng ra thông báo cho biết hai căn cứ chính của nước này ở Syria là căn cứ không quân tại Khmeimim và căn cứ hải quân ở Tartus không nằm trong phạm vi bị đe doạ do cuộc không kích của Mỹ. Không tên lửa hành trình nào của phương Tây đi vào vùng phòng không của Nga.
Ông Aleksei V. Makarkin thuộc Trung tâm Công nghệ Chính trị nói “Nga có những vùng lợi ích riêng ở Syria và nó nằm ở bờ biển Địa Trung Hải. Các mục tiêu tấn công của Mỹ hiển nhiên nằm ngoài phạm vi này”. Theo Makarkin, dĩ nhiên Nga bất bình trước hành động của Mỹ và liên minh, nhưng “đây là một yếu tố của một Chiến tranh Lạnh kiểu mới. Chỉ những yếu tố như cấm vận mới thực sự khiến Nga phiền toái”.
Diễn biến chiến trường Syria những tháng đầu năm 2018 không có lợi cho Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào miền Bắc Syria, tấn công lực lượng YPG, tổ chức vũ trang của người Kurd tại biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, do Mỹ hậu thuẫn. Ở miền Nam, quân đội chính phủ Assad dưới sự yểm trợ của Nga liên tiếp đánh bại các nhóm nổi dậy, trong đó có một số nhóm do Mỹ hậu thuẫn, và hiện kiểm soát 55% lãnh thổ Syria.
Chuyên gia Karim Bitar từ Viện Quan hệ Chiến lược và Quốc tế Paris nhận định cục diện chiến trường Syria trong vài tháng qua như thể sẽ hạ màn trong tay Nga, Iran, và Thổ Nhĩ Kỳ. "Mỹ đã không ngồi yên. Cuộc không kích hôm 14/4 là nỗ lực của phương Tây nhằm giành lại ảnh hưởng tại Syria, củng cố vị thế vững chắc hơn khi các bên tìm kiếm giải pháp chính trị, đồng thời gây sức ép buộc chính quyền Assad chấm dứt sử dụng vũ khí hóa học".
Trong những ngày đầu cuộc nội chiến, Mỹ tích cực với sáng kiến "Những người bạn của Syria", sau đó hỗ trợ tài chính cho các nhóm ôn hòa trong phe nổi dậy chống chính quyền Tổng thống Assad. Nhưng, trước sự trỗi dậy của IS và xu hướng cực đoan hóa của nhiều nhóm nổi dậy, Washington đã phải chấp nhận Syria là vùng đất không dễ để rút ra khi đã lún vào quá sâu.
"Washington rất lo ngại thay thế Assad sẽ là một tổ chức Hồi giáo cực đoan. Ưu tiên của Mỹ hiện là tiêu diệt hoàn toàn IS. Mỹ và các đồng minh đã chấp nhận sự tồn tại của chính quyền Assad là điều không thể tránh khỏi", giáo sư Ian Hobbs, trưởng khoa Chính trị toàn cầu từ Đại học Newcastle, nhận định.
Vài năm qua, Mỹ đã huấn luyện và vũ trang cho YPG. Với sự yểm trợ của liên quân, YPG đã đánh tan IS tại vùng Đông Bắc và hiện kiểm soát tới 25% lãnh thổ Syria. Ông Hobbs nhận định Mỹ sẽ gây sức ép để bảo đảm vùng tự trị cho người Kurd tại Syria. Thông qua YPG, Mỹ muốn kiềm chế Iran và chính quyền Tổng thống Assad, đồng thời ngăn chặn IS mở rộng hoạt động vào Iraq.
Trong bối cảnh Nga và đồng minh Assad giành được nhiều chiến thắng quân sự quan trọng, CNN nhận định thách thức thực sự chờ đợi Moscow đó là tìm kiếm một giải pháp chính trị cho quốc gia hiện bị chia năm xẻ bảy với hàng chục tổ chức quân sự lớn nhỏ hiện diện, đồng thời tránh sa lầy tại Syria như cái cách Liên Xô từng mắc phải hồi thập niên 80 tại Afghanistan.
"Assad và Moscow có những khác biệt về tương lai cho Syria. Trong khi Assad nuôi hy vọng thiết lập lại quyền lực tuyệt đối trong quá khứ, Moscow nhận định rất khó để các phe phái khác chấp nhận Assad như thủ lĩnh tối cao sau những gì đã xảy ra trong 7 năm qua", giáo sư Kenny Roberts, giám đốc chương trình Nghiên cứu An ninh Oxford, nhận xét.
Nga đã phải ngược xuôi qua lại với các bên có ảnh hưởng lớn nhất trên chiến trường Syria, tạo ra các "vùng giảm căng thẳng", nơi chiến sự tạm ngừng để tránh leo thang xung đột. Thông qua các hội nghị hòa bình ở Astana, Geneva, Sochi và mới đây là cuộc họp 3 bên Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara, Moscow bước đầu đã mở đường cho một giải pháp chấp nhận được ở Syria: chính phủ liên hiệp chia sẻ quyền lực và Assad tiếp tục tại vị.
Nhưng Nga không thể một tay sắp xếp cục diện bàn cờ Syria, bởi tất cả các cường quốc can dự đều có chỗ đứng vững chắc, thông qua hiện diện của các lực lượng quân sự trên chiến trường. Ngay cả các đối tác hiện tại của Nga như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có những lợi ích và tính toán rất riêng biệt, về lâu dài, có thể trái ngược với lợi ích của Nga và chính quyền Assad.
Thổ Nhĩ Kỳ là một cường quốc khu vực có ảnh hưởng lớn tại Syria. Thổ Nhĩ Kỳ có lợi thế nằm sát biên giới Syria, nước này đứng sau các lực lượng vũ trang nổi dậy, mà mạnh nhất là FSA, Jaysh al-Islam và Ahrar al-Sham. Ankara muốn giành quyền kiểm soát bờ Tây sông Euphrates và tạo không gian sinh sống cho người Hồi giáo dòng Sunni, để hàng triệu người Sunni hiện tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ trở về Syria.
Trong khi đó, Iran hiện diện tại Syria thông qua các nhóm vũ trang Shia, mạnh nhất là Hezbollah, hiện kiểm soát khu vực phía Tây Syria. Tehran muốn được tiếp cận hành lanh vận tải thông suốt từ Iraq tới Lebanon, để đảm bảo con đường tiếp vận liên tục cho Hezbollah ở Lebanon, gây sức ép lên Israel.
Nguồn: Zing News