5 Nỗi khổ chỉ những người (cố gắng) sống xanh mới hiểu

5 Nỗi khổ chỉ những người (cố gắng) sống xanh mới hiểu

Tác giá: EVD Thiết Bị | Ngày: 02-10-2019 | 0 bình luận

Tình hình biến đổi khí hậu ngày càng tệ đã trở thành động lực thúc đẩy lối sống vì môi trường phát triển. Zero waste là một lối sống xanh được giới trẻ hưởng ứng mạnh mẽ, trong đó có tôi và bạn bè. Hiểu nôm na, zero waste hướng đến một cuộc sống không hoặc tạo ra rất ít rác thải bằng việc sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường, kết hợp với các hoạt động tái chế và tự xử lý rác hữu cơ.

Nghe thì đơn giản, nhưng khi bắt đầu với lối sống này, chúng tôi đã nhận ra sự thật: sống tốt không dễ dàng. Vậy những người cố gắng sống xanh đã và đang gặp phải những rắc rối gì?

1. Vấn đề đầu tiên là tiền đâu

“Cái giá đầu tiên mình trả cho lối sống zero waste là 300.000 VNĐ tiền bình nước giữ nhiệt, trong khi hồi xưa có phải tốn đồng nào cho ly và ống hút đâu,” Quang, bạn tôi, vừa nhận được những tháng lương đầu tiên để có ‘đủ điều kiện’ đi theo lối sống mới cho hay.

Những bước đầu sống xanh, cùng sản phẩm bảo vệ môi trường là rào cản về tài chính. Tính sơ sơ về nhu yếu phẩm, trong khi sống bình thường có thể mua một bánh xà phòng Lifebuoy với giá đắt nhất là 15.000 VNĐ, thì sống không rác thải đòi hỏi một bánh xà phòng hữu cơ với giá rẻ lắm cũng là 85.000 VNĐ. Hơn gấp 5 lần!

lối sống zero waste

Quang giải thích, “Bắt đầu sống xanh cũng giống như một cuộc đầu tư, bạn cần có vốn ban đầu thì sau này mới có lời. Trong trường hợp này, vốn chúng mình bỏ ra là tiền bạc mua đồ dùng hữu cơ/tái chế đắt gấp mấy lần sản phẩm thông thường, là chất xám bỏ ra để suy nghĩ nên làm thế nào thì tốt, là công sức xử lý rác thải mà trước đây mình chẳng bao giờ mảy may nghĩ đến. Còn cái lợi sau thời gian “đầu tư” là một lối sống lành mạnh, một cơ thể khoẻ, một môi trường sống trong lành, sạch sẽ hơn. Điều đó là thứ tiền không mua lại được.”

Khi thấy chùn bước vì chi phí đắt đỏ cho những sản phẩm hữu cơ, tái chế, tôi thường nghĩ đến danh sách “cái lợi vô giá” như Quang nói. Bên cạnh đó, thay vì mua lại toàn bộ chai, lọ, hộp mới, tôi cũng sử dụng lại chai lọ cũ hoặc gửi trả cho cửa hàng. Mục đích của zero waste là hạn chế rác thải, không phải là để loại bỏ tất cả những sản phẩm ấy và biến chúng thành rác thải mới.

2. “Vượt sướng” cũng là một nỗi khổ

Hiện nay, các thương hiệu đều hỗ trợ dịch vụ giao hàng tận nơi, đồ ăn mang đi được cho thêm đủ thìa, đũa dùng một lần, thì lượng rác thải khó phân huỷ lại vô tình được “tiếp tay” thải ra. Thử nhìn vào món hàng bạn vừa nhận từ dịch vụ chuyển phát nhanh xem: có bao nhiêu hộp giấy, băng keo, ni lông trong đó?

Khi cuộc sống ngày càng trở nên tiện lợi, cộng đồng zero waste lại phải nỗ lực… vượt sướng. Tôi phải vượt qua cơn lười và sự ỷ lại vào thế giới tiện nghi mà tự nấu ăn, mua hàng tận nơi, hoặc chí ít là liên tục copy/paste yêu cầu “không cần gói bọc ni lông” đến hàng loạt cửa hàng online để giảm thiểu rác thải của sự tiện lợi.

lối sống zero waste

Tuy nhiên, trong một số trường hợp bất khả kháng, tôi vẫn phải chấp nhận việc thải ra vài cái bao ni lông trong sự dằn vặt chính bản thân mình. Có lần bị bệnh, tất cả những gì tôi có thể làm để cứu chiếc bụng đói là cầm điện thoại và đặt một phần cháo giao tận nhà. Sau khi tỉnh táo lại với đồ ăn và thuốc, tôi nhận ra mình đã sở hữu thêm hai chiếc bịch đựng cháo, một bịch nhỏ chanh ớt, một chiếc túi xốp và… vỉ thuốc. Vừa bệnh, vừa buồn.

Câu hỏi về tính khả thi của việc từ chối dịch vụ giao hàng trong một thế giới bận rộn đã được nêu lên trong buổi giao lưu với Bea Johnson, tác giả cuốn “Zero Waste Home” (“Nhà không rác”). Johnson chia sẻ rằng điều ấy khả thi nhưng cần nhiều quyết tâm từ cá nhân người mua.

Cá nhân tôi thấy bạn nên cố gắng hết sức để giảm thiểu số lượng rác thải, nhưng không nên quá cực đoan với bản thân mình. Nếu lối sống xanh khiến bạn quá gò bó và mệt mỏi, sẽ khó để bạn đi với nó lâu dài.

3. Sống xanh là mang thêm vài gánh nặng

Ai trong chúng tôi khi nhìn lại cuộc sống hiện tại của mình cũng đều nhận ra, zero waste mang đến nhiều gánh nặng. Cái gánh đầu tiên theo đúng nghĩa đen là nặng vai, nặng chân tay khi lúc nào cũng phải lỉnh kỉnh mang theo bình nước, hộp cơm để đựng hết thứ này đến thứ khác thay vì chỉ cần nhẹ nhàng cất giọng, “Cô ơi cho con xin cái ly!”, “Cô ơi cho con xin cái hộp xốp!”.

Thứ hai là nặng não. Chúng tôi chẳng phải là thế hệ được nuôi dạy phải giảm thiểu rác thải bằng việc sử dụng đồ dùng tái chế ngay từ tấm bé. Vì thế, để nhớ mang theo chiếc ly mua cà phê mỗi sáng, tính toán bao nhiêu chiếc hộp để ra chợ mua thịt cá là cả một sự chuẩn bị.

Thứ ba là nặng lòng. Nói không với bao ni lông là một điều cực kỳ khó khăn. Một người nội trợ đã chia sẻ rằng, “Làm thế nào để không sử dụng bao ni lông khi đi chợ cho cả tuần? Đi chợ mang theo hộp thì chẳng biết bao nhiêu là đủ cho đồ tươi sống, còn đi siêu thì thì bảo đảm chẳng bảo vệ nào cho mang hộp vào rồi.”

Vì sợ lỉnh kỉnh đồ đạc, tôi đã chuẩn bị một chiếc túi lớn để có thể thoải mái đựng cả thế giới. Vì sợ bộ não cá vàng của mình không thể nhớ nổi ngày mai phải mang bình nước đi làm, tôi luôn chuẩn bị sẵn túi xách từ tối hôm trước. Trong cốp xe của tôi luôn có một chiếc túi gấp gọn gàng để phòng khi cần mua đồ đột xuất.

lối sống zero waste

4. Làm việc tốt cũng bị khinh chê

Bạn đã bao giờ đang tự hào về một hành động tốt lại bị người khác dội gáo nước lạnh bằng hai chữ “bày đặt” chưa?

Rất nhiều người đã phải nhận thái độ ấy khi đang cố gắng hết sức giảm thiểu rác thải ra môi trường, bởi lẽ cũng có nhiều người tin rằng “một người giảm rác thải thì chẳng có tác dụng gì”, hay những người như tôi chỉ đang cố chạy theo trào lưu.

Johnson chia sẻ, “Việc từ chối quà tặng từ người thân, bạn bè, hay mua hàng yêu cầu đóng gói bằng giấy thay vì ni lông, mang theo một cái túi may từ drap giường cũ để mua bánh mì… không tránh khỏi những ánh nhìn, câu hỏi, bình luận từ những người xung quanh.”

Ở những ngày đầu của lối sống không rác thải, ngoài vượt lên “cám dỗ”, những người sống xanh còn phải vượt cả “dư luận” nữa.

Chạnh lòng có, khó chịu cũng có. Nhưng cảm giác của mình ‘phân huỷ’ chậm lắm là một tuần, còn rác thải phân huỷ nhanh lắm cũng vài trăm năm… Nên thôi, kệ người ta dè bỉu, mình vẫn phải làm chuyện cần làm.

5. Cảm giác “cá lội ngược dòng”

Thế giới không vận hành theo tôn chỉ đặt môi trường sống lên đầu. Một nền công nghiệp luôn đề cao lợi nhuận và sự tiện lợi đã khiến nhựa, bao bì sử dụng một lần trở thành lượng rác thải lớn nhất trong môi trường.

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng và quy trình sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường lại đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn cao về nguyên liệu, chi phí nhưng giá thành không cạnh tranh. Nhựa và ni lông lại còn trở thành một mặt hàng vô cùng quen thuộc trong đời sống của người Việt Nam và nhiều cộng đồng chưa ý thức nghiêm túc về việc bảo vệ môi trường.

Dù mỗi ngày tôi tự động viên mình rằng “giảm một cái bao ni lông cũng là giảm”, thì tôi vẫn biết “một cánh én nhỏ không làm nên mùa xuân”. Những người cố gắng thay đổi cuộc sống của mình vì môi trường như những con cá nhỏ lội ngược dòng.

Ai cũng hiểu: chẳng có sự thay đổi nào là dễ dàng, nhất là sự thay đổi ý thức hệ, lối sống, và cả một nền kinh tế dựa trên sự bóc lột thiên nhiên. Chưa biết ai thắng trong cuộc đua kinh tế, nếu mất bầu không khí và sông suối trong lành, tất cả chúng ta đều là những người thua cuộc. Vì vậy, những người đang cố gắng sống xanh mong người xung quanh có thể hiểu được để ngừng phán xét, cũng như chung tay giải quyết vấn đề.

Bài viết được thực hiện bởi Vân Trần.- Vietcetera

Cũ hơn Mới hơn