TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM THÁNG 5: BỨC TRANH KINH TẾ CÓ GÌ ĐẶC BIỆT?

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM THÁNG 5: BỨC TRANH KINH TẾ CÓ GÌ ĐẶC BIỆT?

Tác giá: EVD Thiết Bị | Ngày: 04-06-2019 | 0 bình luận

Trong báo cáo được công bố bởi công ty chứng khoán ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VPBS), cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô tháng 5/ 2019, cho thấy những điểm sáng về FDI, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới.

CPI tháng 5 tăng 0,49% so với tháng trước.

Chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) tháng 5 tăng 0,49% so với tháng trước, tăng 1,5% so với thời điểm tháng 12/2018 và ghi nhận mức tăng 2,88% so với cùng kỳ năm ngoái. CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2019 tăng 2,74% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Nguyên nhân lớn được cho rằng gây ra mức tăng thấp chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 5/2019 là việc giá xăng trong nước tăng cùng với giá xăng dầu thế giới, giá điện tiêu dùng cũng tăng do sản lượng tiêu thụ tăng cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó, diễn biến khó lường của dịch tả lợn châu Phi cũng làm giá thịt lợn giảm, người dân có xu hướng hạn chế tiêu thụ sản phẩm này cũng gây ảnh hưởng đến mức tăng CPI tháng 5.

Bức tranh kinh tế Việt Nam tháng 5 vừa qua có gì đặc biệt?

IIP 5 tháng đầu năm 2019 tăng chậm hơn so với cùng kỳ

Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tháng 5/2019 ước tăng 4,6% so với tháng trước, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, IIP ước tăng 9,4% so với cùng kỳ, thấp hơn tỷ lệ 10,3% của cùng kỳ năm 2018, nhưng vẫn cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2016 (7,4%) và năm 2017 (6,6,%). IIP tháng 5 cho thấy mức độ tăng trường trong từng ngành công nghiệp cụ thể như: ngành khai khoáng giảm 1,5%, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 11%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 8,4%. 

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm 2019 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 84%; sản xuất kim loại tăng 40,5%; khai thác quặng kim loại tăng 14,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 14,7%...

Trong 5 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp của 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng so với cùng kỳ năm trước. Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/5/2019 tăng 1,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 2,2% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,9%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1,3%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 3,1%. 

Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Làn sóng khởi nghiệp tiếp tục là kênh huy động nguồn vốn cho nền kinh tế. Trong 5 tháng đầu năm 2019 có gần 54 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số lượng doanh nghiệp đăng ký cao nhất trong 5 năm qua. Nếu tính chung cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm, trong 5 tháng đầu năm nay ước tính các doanh nghiệp bổ sung vốn đăng ký cho nền kinh tế gần 1,7 triệu tỷ đồng.   

Tính chung 5 tháng đầu năm nay, cả nước có gần 54 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 669,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,4 tỷ đồng, tăng 25,6%

Một số tình hình xã hội

Thiếu đói trong nông dân: Thiếu đói trong nông dân tháng Năm giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, cả nước có 19,3 nghìn hộ thiếu đói, giảm 38,6%, tương ứng với 82,9 nghìn nhân khẩu thiếu đói, giảm 37%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, cả nước có 63,2 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 30,5% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 255 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 29,4%. 

Tai nạn giao thông: So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tháng Năm giảm 9,8% (Số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 8,4% và số vụ va chạm giao thông giảm 11,4%); số người chết giảm 18,9%; số người bị thương giảm 0,7% và số người bị thương nhẹ giảm 6,7%. Tuy nhiên, đáng chú ý là trong tháng lại xảy ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề.

Thiệt hại do thiên tai: Thiên tai xảy ra trong tháng 5/2019 chủ yếu là mưa đá, giông lốc và sạt lở đất tại một số địa phương vùng Trung du miền núi phía Bắc, Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai xảy ra trong 5 tháng ước tính 372 tỷ đồng.

Nguồn tin: Tổng cục Thống kê


Cũ hơn Mới hơn