Theo nhận định của TS. Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính-Văn phòng Chính phủ (VPCP), việc ứng dụng các công nghệ mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 chính là con đường ngắn nhất để hiện thực hóa khát vọng vì một Việt Nam hùng cường.
Nhấn mạnh yêu cầu phải ứng dụng các công nghệ mới trong việc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam, TS. Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (TTHC)-Văn phòng Chính phủ cho hay, hiện nay chúng ta đã hình dung được những lợi ích mang lại từ việc ứng dụng các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Nhiều quốc gia đi đầu phát triển thông qua việc ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0 đã giúp tăng trưởng kinh tế, tạo ra việc làm và làm gia tăng các giá trị.
Với Việt Nam, theo ông Phan, trong phát biểu tại phiên đối thoại chủ đề “Việt Nam và thế giới” thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos hồi trung tuần tháng 1/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Tranh thủ CMCN 4.0 là con đường tốt nhất để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững”.
Trên cơ sở phân tích những nội dung, yếu tố chính trong khung khổ xây dựng Chính phủ số theo mô hình được Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra, người đứng đầu Cục Kiểm soát TTHC cho rằng: “Phát triển Chính phủ điện tử là bước đi quan trọng của Chuyển đổi số quốc gia. Và việc ứng dụng các công nghệ mới trong bối cảnh CMCN 4.0 là con đường ngắn nhất để hiện thực hóa khát vọng vì một Việt Nam hùng cường”.
Chia sẻ về tình hình ứng dụng các công nghệ mới trong việc triển khai các hệ thống nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, lãnh đạo Cục Kiểm soát TTHC cho biết, thời gian qua Văn phòng Chính phủ đã ứng dụng công nghệ điện toán đám mây trogn triển khai hạ tầng kỹ thuật và đến nay toàn bộ máy chủ đã được ảo hóa, quản lý tập tủng theo mô hình đám mây riêng.
Các cán bộ, chuyên viên Văn phòng Chính phủ chỉ cần sử dụng thiết bị đầu cuối để truy cập các ứng dụng phục vụ chuyên môn, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Các lãnh đạo từ cấp Vụ trở lên đã sử dụng các thiết bị máy tính bảng (iPad) để phê duyệt hồ sơ, ký số các văn bản phát hành từ Văn phòng Chính phủ.
Để sử dụng các thiết bị máy tính bảng, Văn phòng Chính phủ cũng đã triển khai mạng 4G dùng riêng, bảo đảm an toàn an ninh thông tin cho các lãnh đạo Chính phủ, Văn phòng Chính phủ truy cập vào hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc để xử lý công việc.
Bên cạnh đó, Trục liên thông văn bản quốc gia đã được xây dựng, chính thức đưa vào sử dụng từ ngày 12/3/2019 , kết nối các phần mềm quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành, địa phương để phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử. Công nghệ triển khai Trục liên thông văn bản quốc gia trên nền tảng công nghệ X-Road của Estonia.
Thống kê của Văn phòng Chính phủ cho thấy, từ ngày 12/3/2019 đến trung tuần tháng 6/2019, đã có 95/95 bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản, thực hiện gửi hơn 46.200 văn bản điện tử và đã có gần 131.000 văn bản điện tử được các cơ quan tiếp nhận trên Trung liên thông văn bản quốc gia.
Đại diện Cục Kiểm soát TTHC cho biết thêm, dự kiến quý IV/2019, Văn phòng Chính phủ sẽ công bố nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (VDXP) trên cơ sở phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới.
Được biết, các công nghệ tiên tiến của cuộc CMCN 4.0 cũng đã và đang được ứng dụng trong việc triển khai các hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đơn cử, thực hiện các nhiệm vụ đã được phê duyệt tại Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia, trong thời gian qua, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới để triển khai hệ thống như: ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong trả lời tự động người dân, doanh nghiệp về tra cứu thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, học tập kinh nghiệm triển khai hệ thống FranceConnect của Pháp, Văn phòng Chính phủ đã nghiên cứu triển khai hệ thống xác thực và chia sẻ thông tin – VNConnect trên Cổng dịch vụ công quốc gia, xây dựng mô hình hệ thống đủ mềm dẻo để đáp ứng nhu cầu xác thực định danh theo hiện trạng của Việt Nam và sẵn sàng thích nghi trong tương lai để xác thực định danh cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến, áp dụng tối đa các công nghệ tiên tiến của CMCN 4.0 như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối… Dự kiến, tháng 11/2019, sẽ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia kết nối với Cổng dịch vụ công của Bộ GTVT cung cấp dịch vụ công trực tuyến về cấp đổi giấy phép lái xe cho người dân.
"Việc áp dụng ngay những thành tựu công nghệ của CMCN 4.0 vừa như chất xúc tác thúc đẩy phát triển vừa giúp định hướng cho quá trình chuyển đổi số ở các cơ quan nhà nước, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp", Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC nhấn mạnh.
Nguồn: CafeBiz